Thực trạng Du học Nhật Bản |
Quay trở lại câu chuyện của hai du học sinh Nhật kỳ tháng 7 năm nay là Minh Thu và Thùy Dung mà chúng tôi đã đề cập đến trong bài trước. Khi ra đi khỏi Việt Nam cõng trên vai món nợ 300 triệu đồng của gia đình, các em chịu áp lực cực kỳ khủng khiếp về tài chính. Gia đình cố gắng vay nợ thêm cho các em được 20 triệu để mang theo ăn uống những tháng đầu và phòng thân.
Những ai đã từng sống ở Nhật chắc chắn đều hiểu rằng số tiền 20 triệu đối với cuộc sống ở Nhật chỉ như “muối bỏ biển”. Sang Nhật chưa đầy 1 tháng, số tiền 20 triệu đồng đã gần hết. Ở Việt Nam dù cuộc sống có cực khổ vì thiếu thốn tài chính nhưng các em còn có gia đình, khi sang Nhật, vừa không có tiền vừa không có gia đình ở bên, lại chưa giỏi tiếng, chưa hòa nhập được với môi trường mới nên cuộc sống của các em khó khăn gấp trăm lần.
Công ty ở Việt Nam đã giữ cam kết với các em là lo cho các em một việc làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt, nhưng việc làm đó cũng không hề nhàn hạ. Một tuần 4 buổi các em phải làm từ 12h đêm đến 4-5h sáng mới hết ca làm, mỗi tiếng làm được trả khoảng 900 yên, tức khoảng 200 nghìn đồng. Mỗi tháng các em kiếm được tối đa khoảng 20 triệu.
Thế nhưng đổi lại 20 triệu đó là gì? Bởi làm đến sáng mới về, nên các em chỉ kịp chợp mắt một chút rồi phải đi học tiếp. Khi lên lớp vì quá mệt mỏi nên các em thường gục xuống bàn và ngủ cho đến hết giờ mới về.
Về đến nhà đã muộn lại phải chuẩn bị đi làm tiếp ca của ngày hôm sau. Cuộc sống thành vòng quay như vậy nên gần như không học được gì nhiều. Vì thế nên có rất nhiều trường hợp, dù đã sang Nhật cả năm mà các em vẫn không thể nói được những câu giao tiếp cơ bản.
Tiếng Nhật quá kém, thời lượng lên lớp nhiều khi không đủ nên không thể thi lên đại học, cao đẳng, nhiều em lại quay về nước khi tiếng Nhật kém, gia đình nợ nần chưa trả xong, không có nghề nghiệp gì, không bằng cấp, tương lai mù mịt.
Thế nhưng trường hợp dù mất nhiều tiền như Minh Thu và Thùy Dung nhưng công ty giữ cam kết vẫn còn là may mắn. Có nhiều bạn được công ty hứa đưa sang Nhật, cuối cùng bạn cũng sang được đến Nhật nhưng công ty cắt liên lạc luôn, không giúp đỡ bất kỳ cái gì về nhà ở hay việc làm dù công ty đã hứa và thu tiền dịch vụ trước đó.
Học được nửa năm mới “ngã ngửa” ra rằng công ty thu tiền học phí của một năm nhưng chỉ đóng cho học sinh nửa năm và như vậy gia đình các bạn lại phải chạy vạy để có tiền đóng học tiếp nếu không các bạn sẽ phải về nước.
Trong trường hợp không có tiền để tiếp tục đóng học phí, nhiều bạn bỏ ra ngoài sống lưu vong, đi làm bất hợp pháp, ăn trộm ăn cắp hoặc đi tìm những học sinh mới sang để lừa đảo kiếm tiền.
Du học sinh mới sang thường chưa biết tiếng nhiều, vì thế cần phải đi đăng ký điện thoại, giấy tờ và kiếm việc làm. Khi đó, nhiều bạn du học sinh đã lừa đảo trực tiếp đồng bào mới sang còn ngây ngô của mình, ít cũng lừa vài triệu, nhiều hơn là lừa ăn trộm cả thẻ ngân hàng lấy của các em mới sang hàng chục triệu đồng.
Có nhiều trường hợp, có vì đói nhiều ngày quá không chịu được, em vào siêu thị ăn cắp gói thịt lợn. Thấy dễ lấy, mấy ngày sau lại mò vào ăn cắp tiếp và bị bắt trục xuất về nước khi nợ của gia đình cho em đi vẫn chồng chất.
Trước khi sang Nhật, các em được vẽ ra viễn cảnh sang Nhật sẽ dễ dàng kiếm được 40-50 triệu đồng/tháng. Thực tế cũng có thể kiếm được con số đó nhưng các em thường sẽ phải làm 2 công việc và hoàn toàn không có thời gian học. Trường hợp các em bị chết vì làm việc không hề ít. Nhiều gia đình tiễn con đi với bao hy vọng nhưng lại phải nhận con về trong cỗ áo quan.
Có em đã mất nhưng vì gia đình nghèo quá không có tiền đưa thi hài con về, bảo hiểm không hỗ trợ nên cộng đồng người Việt cũng phải quyên tiền để đưa tro cốt của em về nước.
Thiếu tiền còn dẫn đến làm liều, ăn cắp, ăn trộm, cướp giật. Trong cộng đồng người nước ngoài ở Nhật, người Việt tai tiếng chỉ sau người Trung Quốc về ăn cắp vặt, ăn trộm đồ siêu thị. Thế nhưng đó là còn chưa kể đến việc, ra đi với nền tảng giáo dục và văn hóa quá thấp khiến các em không biết cách điều chỉnh hành vi ứng xử của mình trên đất Nhật.
Nhiều em sống ở Nhật nhưng thường xuyên nhậu nhẹt, làm ồn, nói chửi bậy, trốn vé tàu. Rồi tồi tệ hơn là các em đâm chém nhau, sàm sỡ các cô gái Nhật. Đó là chưa kể lập ra nhiều hội cùng chơi cá cược, lô đề cờ bạc. Hình ảnh của người Việt trong mắt người Nhật vì thế càng ngày càng xấu đi.
Chẳng thế mà nhiều người Nhật đã dành cho những lời nhận xét đầy ác cảm mà người viết có thể kể ra như sau: “Giết nhau thì về nước các người mà giết nhau, tiền điều tra phá án là tiền thuế của chúng tôi đấy”; “Ở nhà kho công ty tôi cũng có mấy người Đông Nam Á, mấy người Việt Nam đó nếu “chạm đúng công tắc” một cái là nguy hiểm lắm. Người Việt Nam rất khó đoán, ban đầu rất lễ phép chứ sau rồi không biết thế nào đâu”...
Trên thực tế, tại châu Á hiện nay, Nhật Bản và Hàn Quốc đang thu hút rất nhiều lao động Đông Nam Á, và chắc chắn người Việt Nam không phải lựa chọn số 1 của họ. Người Malaysia, Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn người Việt Nam rất nhiều về khả năng ngôn ngữ và khả năng thích ứng, đảm bảo kỷ luật lao động. Vi thế nếu người Việt Nam không thay đổi hành vi, thì khả năng Nhật đóng cửa hoàn toàn với thị trường lao động Việt Nam không thể loại trừ.
(Theo Trí Thức Trẻ)
Trên đây là phần 2 của loạt bài báo về thực trạng du học Nhật Bản của trang Trí Thức Trẻ để các bạn độc giả đọc và tham khảo, hoàn toàn không thể hiện ý chí và quan điểm của Japan, My Love.
0 件のコメント:
Write nhận xét